Về Giải thưởng

 BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số:     1385     /QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày   19     tháng   8    năm 2024

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế Giải thưởng

“Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2024

 

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2024.

Điều 2. Giao Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2024.

Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

   

Nơi nhận:

- Như Điều 3;

- Bộ trưởng (để b/c); 

- Các Thứ trưởng;

- Liên đoàn TM&CN Việt Nam;

- Các Cục: BC, PTTH&TTĐT (để t/h);

- Các đơn vị: Học viện CNBCVT, Báo VietNamNet,

Trung tâm Thông tin (để t/h);

- Lưu: VT, CNICT.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

Đã ký

 

 

 

 

Bùi Hoàng Phương

 

QUY CHẾ GIẢI THƯỞNG

“SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ SỐ MAKE IN VIET NAM” NĂM 2024

(Ban hành kèm theo Quyết định số          /QĐ-BTTTT ngày         /        /2024

của  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

 

Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” là Giải thưởng uy tín, chính thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) của Bộ Thông tin và Truyền thông để trao tặng hàng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam nhằm giải các bài toán Việt Nam và đi ra quốc tế.  

Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2024 sẽ tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia và tăng năng suất lao động, tạo ra kết quả thiết thực hơn và toàn diện hơn mang lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội và các sản phẩm công nghệ số mới. Giải thưởng cũng tiếp tục tôn vinh các sản phẩm công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam.

1. Tên Giải thưởng

Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2024.

2. Đơn vị thực hiện

- Đơn vị chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

3. Thời gian

- Họp báo công bố, phát động Giải thưởng: Tháng 8/2024.

- Thời gian nhận đăng ký hồ sơ tham gia Giải thưởng: Từ ngày 22/8/2024 đến hết ngày 22/10/2024.

- Lễ công bố và trao Giải thưởng dự kiến tổ chức: Tháng 12/2024 tại Hà Nội.

4. Mục đích, ý nghĩa

- Tôn vinh các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam xuất sắc góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tạo việc làm cho người dân và doanh nghiệp;

- Tôn vinh các sản phẩm công nghệ số mới và tôn vinh các sản phẩm Việt Nam xuất sắc thành công tại thị trường toàn cầu.

- Thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo và sản xuất các sản phẩm công nghệ số mới.

- Tuyên truyền, phổ biến, thúc đẩy chủ trương phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Quảng bá các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới thị trường trong nước và ra thị trường nước ngoài.

- Góp phần xây dựng Thương hiệu quốc gia, sản phẩm Chất lượng quốc gia cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam.

5. Đối tượng tham gia

- Đối với Hạng mục tại Điểm a, b, c, d, đ và g Mục 6.1: Đối tượng tham gia là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam (nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì người Việt Nam phải sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần) và đơn vị, tổ chức sự nghiệp có các sản phẩm công nghệ số được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam và đã được đưa vào ứng dụng thực tế.

- Đối với Hạng mục tại Điểm e Mục 6.1: Đối tượng tham gia là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam (nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì người Việt Nam phải sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần) hoặc doanh nghiệp thành lập ở nước ngoài nhưng do người Việt Nam sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần.

- Đối với Hạng mục tại Điểm h Mục 6.1: Chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập theo pháp luật Việt Nam (nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì người Việt Nam phải sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần).

6. Giải thưởng

6.1. Hạng mục Giải thưởng

a) Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng;

b) Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường;

c) Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực giao thông vận tải, bưu chính và logistics;

d) Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội;

đ) Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ;

e) Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài;

g) Sản phẩm công nghệ số mới xuất sắc;

h) Sản phẩm công nghệ số tiềm năng.

Trong đó:

- Phạm vi của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng gồm: công nghiệp công nghệ thông tin; công nghiệp khai thác; công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; xây dựng.

- Phạm vi của lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tài nguyên và môi trường.

- Phạm vi của lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ gồm: tài chính, ngân hàng, thương mại, bảo hiểm, du lịch.

- Phạm vi của sản phẩm công nghệ số cho thị trường nước ngoài gồm: Các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số cung cấp cho thị trường nước ngoài.

- Phạm vi của sản phẩm công nghệ số mới gồm: các sản phẩm ứng dụng các công nghệ mới như: 5G, AI, Big Data, IoT, Bán dẫn.

6.2. Cơ cấu Giải thưởng

Mỗi Hạng mục Giải thưởng có cơ cấu gồm: 

a) 01 Giải Vàng;

b) 01 Giải Bạc;

c) 01 Giải Đồng;

d) Top 10.

7. Quyền lợi và trách nhiệm của các Đơn vị tham gia Giải thưởng

- Doanh nghiệp, tổ chức đạt Giải Vàng, Bạc, Đồng được nhận Cúp, Giấy chứng nhận đạt Giải thưởng. Đơn vị tham gia đạt Top 10 được nhận Giấy chứng nhận Giải thưởng.

- Doanh nghiệp, tổ chức đạt Giải Vàng được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Doanh nghiệp, tổ chức đạt giải được:

+ Khai thác thương mại biểu tượng (Logo) Make in Viet Nam đi cùng sản phẩm công nghệ số được công nhận danh hiệu trong các hoạt động kinh doanh, tiếp thị;

+ Đề cử đại diện cho ngành CNTT-TT tham gia các cuộc thi và Giải thưởng chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế;

+ Bộ Thông tin và Truyền thông và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tư vấn hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm cho thị trường trong nước và nước ngoài;

+ Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu cho các Bộ, ngành, địa phương để triển khai thử nghiệm, thí điểm.

 + Quảng bá sản phẩm công nghệ số trên phương tiện thông tin đại chúng của Bộ Thông tin và Truyền thông và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; được giới thiệu sản phẩm công nghệ số đoạt giải đến các cơ quan nhà nước tham khảo lựa chọn nhằm phục vụ chuyển đổi số;

+ Ưu tiên xem xét đưa vào Danh mục sản phẩm, dịch vụ CNTT được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm trong cơ quan nhà nước; Danh sách các dự án tiềm năng kêu gọi đầu tư;

+ Ưu tiên hỗ trợ xem xét, đánh giá, công bố nền tảng số quốc gia;

+ Hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp;

+ Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức gặp mặt để trao đổi, tham vấn, phản biện về các cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình phát triển của ngành và định hướng phát triển sản phẩm công nghệ số của doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp, tổ chức hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực, khách quan của những thông tin, số liệu khai báo trong hồ sơ của mình. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, công bố những trường hợp cố ý làm sai lệch các thông tin, số liệu trong hồ sơ và thu hồi Giải thưởng (nếu đã trao).

- Những thông tin, số liệu trong Hồ sơ tham gia Giải thưởng được bảo mật, trừ trường hợp có quy định khác. Các cơ quan, đơn vị liên quan đến tổ chức Giải thưởng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo mật dữ liệu.

8. Tiêu chí đánh giá và cơ cấu điểm

Tiêu chí chi tiết để đánh giá sản phẩm tham dự giải thưởng theo từng Hạng mục được quy định tại Phụ lục của Quy chế này.

9. Trình tự và hồ sơ tham gia Giải thưởng

9.1. Cách thức tham gia Giải thưởng

a) Doanh nghiệp, tổ chức tham gia đăng ký trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử Giải thưởng: giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn.

b) Các Bộ, ngành, địa phương và các Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực CNTT-TT giới thiệu, đề cử với Bộ Thông tin và Truyền, đồng thời thông báo cho doanh nghiệp, tổ chức được đề cử để thực hiện việc đăng ký và gửi hồ sơ tại Cổng thông tin điện tử Giải thưởng: giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn.

9.2. Trình tự tham gia Giải thưởng

Doanh nghiệp, tổ chức tham gia Giải thưởng có thể lựa chọn một trong hai cách thức sau:

Cách 1:

- Đăng ký sơ bộ tham gia Giải thưởng từ ngày 22/8 đến ngày 21/9/2024.

- Hoàn thiện và gửi hồ sơ từ ngày 22/9 đến hết ngày 22/10/2024.

Cơ quan thường trực hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức tham gia Giải thưởng hoàn thiện hồ sơ.

Cách 2:

- Gửi hồ sơ từ ngày 22/8 đến hết ngày 22/10/2024.

Hình thức: Gửi hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Giải thưởng: giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn.

9.3. Thông tin đăng ký sơ bộ và Hồ sơ tham gia Giải thưởng

a) Thông tin đăng ký sơ bộ tham gia Giải thưởng bao gồm:

- Tên tổ chức, doanh nghiệp, thông tin liên hệ.

- Tên Sản phẩm, Hạng mục dự thi.

- Mô tả sơ bộ về sản phẩm: Bài toán giải quyết, thị trường, chức năng, tính năng sản phẩm.  

b) Hồ sơ tham gia Giải thưởng bao gồm:

- Thông tin của doanh nghiệp, tổ chức tham gia.

- Mô tả sản phẩm công nghệ số tham dự Giải thưởng.

- Bản kê khai thông tin, số liệu theo các tiêu chí của Hạng mục Giải thưởng tương ứng và các văn bản, tài liệu chứng minh cho các thông tin, số liệu đó; báo cáo tài chính đã được kiểm toán (nếu có).

- Bản cam kết về sự chính xác, trung thực, khách quan của những thông tin, số liệu trong hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng của doanh nghiệp.

- Bản cam kết về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền đối với sản phẩm (kèm theo bản sao Giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ nếu có).

10. Quy trình xét và trao tặng Giải thưởng

10.1. Giai đoạn sơ tuyển tham dự Giải thưởng

Cơ quan thường trực rà soát, lựa chọn những hồ sơ đạt tiêu chí quy định tại mục 5 và mục 8 của Quy chế này, báo cáo Hội đồng Giám khảo và Ban Tổ chức xem xét, phê duyệt Danh sách hồ sơ đạt tiêu chí qua vòng sơ tuyển theo quy định.

10.2. Giai đoạn sơ khảo

- Các Tiểu ban của Hội đồng Giám khảo tổ chức chấm điểm các hồ sơ đạt tiêu chí qua giai đoạn sơ tuyển, lựa chọn 12 hồ sơ có số điểm cao nhất của mỗi Hạng mục.

- Các Đơn vị tham gia có hồ sơ thuộc nhóm 12 hồ sơ đạt số điểm cao nhất của mỗi Hạng mục sẽ thuyết trình, bảo vệ trước các Tiểu ban tương ứng (theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến) để các Tiểu ban đánh giá, lựa chọn Top 10 hồ sơ theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp của mỗi Hạng mục, đề cử vào vòng chung khảo.

- Trong quá trình đánh giá, lựa chọn 12 hồ sơ có số điểm cao nhất của mỗi Hạng mục, các Tiểu ban có thể tham khảo ý kiến đánh giá bổ sung của các đơn vị sử dụng sản phẩm là các Bộ, ngành, địa phương, Hội, Hiệp hội có liên quan.

10.3. Giai đoạn chung khảo

Căn cứ vào Danh sách đề cử của các Tiểu ban, Hội đồng Giám khảo tổ chức các phiên họp để đánh giá, lựa chọn Top 10 và các giải Vàng, Bạc, Đồng cho mỗi Hạng mục Giải thưởng.

10.4. Công nhận kết quả

- Chủ tịch Hội đồng Giám khảo gửi Danh sách đề cử cho Top 10 và các giải Vàng, Bạc, Đồng của mỗi Hạng mục Giải thưởng đến Cơ quan thường trực.

- Cơ quan thường trực tổng hợp và trình Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng xem xét và ban hành Quyết định công nhận và trao Giải thưởng.

11. Hội đồng Giám khảo Giải thưởng

Hội đồng Giám khảo do Lãnh đạo Ban Tổ chức Giải thưởng thành lập.

Căn cứ vào số lượng hồ sơ đăng ký của các Hạng mục Giải thưởng và trên cơ sở đề xuất của Cơ quan thường trực, Lãnh đạo Ban Tổ chức thành lập 08 Tiểu ban tương ứng với 08 Hạng mục để giúp việc cho Hội đồng Giám khảo.

Hội đồng Giám khảo và các Tiểu ban có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Quy chế này.

12. Phiên họp của Hội đồng Giám khảo

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo điều khiển các phiên họp của Hội đồng. Các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự. Các quyết định của Hội đồng chỉ có giá trị khi có quá 1/2 số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành. Quyết định của Chủ tịch Hội đồng là quyết định cuối cùng.

13. Cơ quan thường trực Giải thưởng

13.1. Cơ quan thường trực:

Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông là Cơ quan thường trực Giải thưởng.

Địa chỉ: Tầng 19, Tòa nhà Cục Tần số vô tuyến điện, số 115 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Điện thoại: 024.39437309.

Email: makeinvietnam@mic.gov.vn.

13.2. Cơ quan thường trực có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tổ chức xét chọn, ban hành quyết định công nhận và trao tặng Giải thưởng.

13.3. Cơ quan thường trực có trách nhiệm:

- Tham mưu giúp Ban Tổ chức trong việc xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch và các thủ tục có liên quan đến việc tổ chức Giải thưởng.

- Phối hợp báo cáo tình hình triển khai, các hoạt động liên quan đến Giải thưởng lên Ban Tổ chức.

- Đầu mối tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng, phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thực hiện việc tư vấn đăng ký, hoàn thiện và sơ tuyển hồ sơ.

- Tổng hợp kết quả sơ khảo, chung khảo từ Hội đồng báo cáo trình Trưởng Ban Tổ chức xem xét, quyết định.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức buổi Lễ trao giải.

- Theo dõi và báo cáo các hoạt động liên quan đến Giải thưởng, trình và xin ý kiến của Ban Tổ chức.

- Chủ trì tổ chức các buổi họp của Ban Tổ chức, buổi làm việc của Hội đồng Giám khảo.

- Phối hợp vận hành và duy trì Cổng thông tin điện tử Giải thưởng.

- Các công việc khác có liên quan.

14. Cơ quan chỉ đạo và cơ quan thực hiện truyền thông Giải thưởng

14.1. Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương tổ chức công tác tuyên truyền, truyền thông cho Giải thưởng.

14.2. Cơ quan thực hiện truyền thông Giải thưởng: Báo VietNamNet, Trung tâm Thông tin chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông trong nước cho Giải thưởng.

14.3. Cục Thông tin đối ngoại chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông cho Giải thưởng ra nước ngoài.

15. Xử lý trường hợp có tranh chấp hay khiếu kiện

15.1. Khiếu nại về việc vi phạm hoặc tranh chấp bản quyền hoặc vi phạm pháp luật của doanh nghiệp tham dự Giải thưởng cần được thông báo cho Cơ quan thường trực Giải thưởng bằng văn bản. Thông báo bằng văn bản phải có chữ ký của người khiếu nại, ghi rõ địa chỉ kèm theo bản sao căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người khiếu nại và được gửi đến Cơ quan thường trực bằng thư bảo đảm.

15.2. Cơ quan thường trực Giải thưởng sẽ xem xét, đánh giá mức độ vi phạm  của doanh nghiệp dự thi. Nếu chứng minh được có sự vi phạm thì sản phẩm dự thi của doanh nghiệp đó sẽ bị loại, không được phép tiếp tục tham gia xét chọn. Trường hợp doanh nghiệp tham gia xét chọn có vi phạm nghiêm trọng sẽ được yêu cầu giải quyết theo các quy định của pháp luật.

16. Điều khoản thực hiện

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày được công bố.

Các thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo, các doanh nghiệp, tổ chức tham gia và những đối tượng liên quan có trách nhiệm thực hiện theo các quy định của Quy chế này./.

 

PHỤ LỤC

Tiêu chí đánh giá đối các Hạng mục Giải thưởng

“Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2024

(Ban hành kèm theo Quy chế Giải thưởng tại Quyết định số………/QĐ-BTTTT

ngày  …../……/2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

 

1. Hạng mục Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong 05 lĩnh vực: công nghiệp và xây dựng; nông nghiệp, tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải, bưu chính và logistics; giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội; tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ

 

TT

Tiêu chí đánh giá

Điểm

Tiêu chí thành phần

I

Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam

40

 

1

Tính sáng tạo và độc đáo của sản phẩm

5

- Khác biệt với những sản phẩm quốc tế và trong nước hiện nay.

- Thúc đẩy các mô hình kinh tế mới  (kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…).

2

Công nghệ, chất lượng sản phẩm

15

- Các TCVN/QCVN/Tiêu chí kỹ thuật được áp dụng vào quy trình sản xuất, phát triển sản  phẩm.

- Công nghệ mới, cốt lõi có tính mở, mã nguồn mở, nền tảng phát triển mở.

- Khả năng kết nối, hỗ trợ tới các nền tảng và hệ sinh thái liên quan.

- Khả năng mở rộng và năng lực cung cấp dịch vụ cho lượng người dùng lớn.

- Tính bảo mật và an toàn dữ liệu.

- Sự ổn định và độ tin cậy.

- Lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam theo quy định.

3

Công đoạn cốt lõi của sản phẩm do người Việt Nam thực hiện

10

Có chứng nhận sở hữu trí tuệ hoặc hợp đồng KHCN hoặc thuyết minh chi tiết sản phẩm được đăng ký/công bố lần đầu tại Việt Nam.

4

Tính năng sản phẩm (dễ sử dụng, tương thích, tùy biến, mở rộng,...)

10

- Khả năng đáp ứng yêu cầu người dùng, mức độ thân thiện, sự hài lòng của người dùng.

- Khả năng tùy biến, mở rộng.

- Mô hình cho thuê dịch vụ.

II

Tác động, ảnh hưởng tới phát triển lĩnh vực

60

 

5

 

Kết quả sản xuất, kinh doanh trong nước

20

- Doanh thu, tốc độ tăng trưởng doanh thu trong 03 năm liền kề của sản phẩm.

- Mô hình và chiến lược kinh doanh thị trường trong nước.

6

Tác động, ảnh hưởng tới phát triển lĩnh vực

35

- Thuyết minh mang lại giá trị, hiệu quả  03 cho khách hàng tiêu biểu: Tăng năng suất lao động, Tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

- Quy mô, thị phần, số lượng người/Doanh nghiệp/Tổ chức sử dụng được hưởng  lợi từ sản phẩm.

- Đánh giá của khách hàng.

- Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên - môi trường và lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội: bổ sung thêm  thuyết minh về  đào tạo kỹ năng số, nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm.

7

Kết quả kinh doanh, khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế

5

- Thị phần và tiềm năng thị trường quốc tế

- Mô hình, chiến lược kinh doanh ra thị trường quốc tế.

 

2. Hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài

 

TT

Tiêu chí đánh giá

Điểm

Tiêu chí thành phần

I

Thiết kế, sáng tạo

35

 

1

Tính sáng tạo và độc đáo của sản phẩm

5

- Khác biệt với những sản phẩm quốc tế và trong nước hiện nay .

- Định hình/phù hợp xu hướng.

2

Công nghệ, chất lượng sản phẩm

15

- Áp dụng công nghệ mới.

- Các tiêu chuẩn được áp dụng vào quy trình sản xuất, phát triển sản  phẩm.

- Các chứng chỉ về năng lực công nghệ

- Tính bảo mật và an toàn dữ liệu.

- Sự ổn định và độ tin cậy.

3

Công đoạn cốt lõi của nền tảng do người Việt Nam thực hiện

10

Có chứng nhận sở hữu trí tuệ hoặc hợp đồng KHCN hoặc thuyết minh chi tiết sản phẩm được đăng ký/công bố lần đầu tại Việt Nam.

4

Tính năng sản phẩm (dễ sử dụng, tương thích, tùy biến, mở rộng, đa ngôn ngữ...)

5

- Khả năng đáp ứng yêu cầu người dùng, mức độ thân thiện, sự hài lòng của  người dùng.

- Khả năng tùy biến.

- Đa ngôn ngữ.

II

Giá trị đem lại từ thị trường nước ngoài

65

 

5

Bài toán giải quyết

10

- Thuyết minh bài toán giải quyết.

- Hiệu quả đem lại cho khách hàng.

6

Kết quả sản xuất, kinh doanh

25

- Doanh thu, tốc độ tăng trưởng doanh thu trong 03 năm liền kề của sản phẩm.

- Mô hình, chiến lược kinh doanh.

7

Thị trường khách khàng

10

- Quy mô thị trường, số lượng khách hàng đang sử dụng sản phẩm.

8

Mức độ hài lòng của khách hàng

10

- Đánh giá của người sử dụng.

- Thời gian đã đưa vào sử dụng.

9

Khả năng cạnh tranh với các sản phẩm tương đương trên thế giới

10

- Thuyết minh khả năng cạnh tranh với các sản phẩm trường đương trên thế giới.

 

3. Hạng mục Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số mới xuất sắc

 

  

TT

Tiêu chí đánh giá

Điểm

Tiêu chí thành phần

1

Tính an toàn

10

- Kiến trúc giải pháp và/hoặc thiết kế nền tảng.

- Tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật.

2

Tính sáng tạo và độc đáo của sản phẩm

20

- Tính khác biệt với những sản phẩm quốc tế và trong nước hiện nay (khác biệt về phân khúc thị trường hoặc về công nghệ hoặc kết hợp nhiều kỹ thuật).

- Quy trình khai thác dữ liệu, quản lý kết quả và thuật toán được sử dụng.

-  Dự đoán và phân tích cơ hội.

3

Công nghệ, chất lượng sản phẩm

25

- Áp dụng công nghệ mới.

- Độ tin cậy của sản phẩm.

- Sự tiện lợi của sản phẩm đối với người dùng.

- Hiệu năng của sản phẩm.

- Khả năng bảo trì, bảo hành của sản phẩm.

4

Công đoạn cốt lõi của sản phẩm do người Việt Nam thực hiện

10

Có chứng nhận sở hữu trí tuệ hoặc hợp đồng KHCN hoặc thuyết minh chi tiết sản phẩm được đăng ký hoặc công bố lần đầu tại Việt Nam.

5

Tính cấp thiết của bài toán mà sản phẩm đang giải quyết tại Việt Nam

10

- Thuyết minh bài toán mà sản phẩm giải quyết.

- Vấn đề đang giải quyết có ý nghĩa như thế nào đối với người dùng.

6

Mô hình, chiến lược và quy mô thị trường

10

- Thị phần và tiềm năng thị trường trong nước.

- Mô hình, chiến lược kinh doanh.

7

Tác động kinh tế xã hội

10

- Doanh thu sản phẩm.

- Số lượng người/Doanh nghiệp/tổ chức sử dụng.

- Tác động kinh tế, xã hội.

- Giá cạnh tranh.

8

Khả năng kêu gọi được vốn

5

 

 

4. Hạng mục Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số tiềm năng

 

TT

Tiêu chí đánh giá

Điểm

Tiêu chí thành phần

I

Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam

60

 

1

Tính sáng tạo và độc đáo của sản phẩm

20

- Tính khác biệt với những sản phẩm quốc tế và trong nước hiện nay (khác biệt về phân khúc thị trường hoặc về công nghệ hoặc kết hợp nhiều kỹ thuật).

- Định hình/phù hợp xu hướng.

2

Công nghệ, chất lượng sản phẩm

20

- Áp dụng công nghệ mới.

- Độ tin cậy của sản phẩm.

- Sự tiện lợi của sản phẩm đối với người dùng.

- Hiệu năng của sản phẩm.

- Khả năng bảo trì, bảo hành của sản phẩm.

- Tính an toàn, bảo mật.

3

Công đoạn cốt lõi của sản phẩm do người Việt Nam thực hiện

10

Có chứng nhận sở hữu trí tuệ hoặc hợp đồng KHCN hoặc thuyết minh chi tiết sản phẩm được đăng ký hoặc công bố lần đầu tại Việt Nam.

4

Tính năng sản phẩm (dễ sử dụng, tương thích, tùy biến, mở rộng,...)

10

- Khả năng đáp ứng yêu cầu người dùng, mức độ thân thiện, sự hài lòng của  người dùng.

- Khả năng mở rộng.

- Khả năng tùy biến.

II

Tác động, ảnh hưởng

40

 

5

Tính cấp thiết của bài toán mà sản phẩm đang giải quyết tại Việt Nam

10

- Thuyết minh bài toán mà sản phẩm giải quyết.

- Vấn đề đang giải quyết có ý nghĩa như thế nào đối với người dùng.

6

Mô hình, chiến lược và quy mô thị trường

15

- Thị phần và tiềm năng thị trường trong nước.

- Mô hình, chiến lược kinh doanh.

7

Tác động kinh tế xã hội

5

- Doanh thu sản phẩm.

- Số lượng người/Doanh nghiệp/tổ chức sử dụng.

- Tác động kinh tế, xã hội.

- Giá cạnh tranh.

8

Khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế

5

- Mô hình, chiến lược kinh doanh ra thị trường nước ngoài.

9

Khả năng kêu gọi được vốn

5

- Kết quả kêu gọi vốn đầu tư cho sản phẩm.

- Khả năng kêu gọi vốn đầu tư, sức hấp dẫn của sản phẩm đối với thị trường và nhà đầu tư.

 

 

 

Doanh nghiệp của bạn có sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và giải các bài toán Việt Nam?

Đăng ký tham gia
Make in Viet Nam 2024
Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2024 sẽ tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia và tăng năng suất lao động, tạo ra kết quả thiết thực hơn và toàn diện hơn mang lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội và các sản phẩm công nghệ số mới. Giải thưởng cũng tiếp tục tôn vinh các sản phẩm công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam
Cơ quan thường trực giải thưởng
Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông

Địa chỉ: Tầng 19, Tòa nhà 115 Trần Duy Hưng, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: 089.899.5599

Email: makeinvietnam@mic.gov.vn

Về giải thưởng